Lẩu mắm – Nét đẹp tinh túy của ẩm thực Cần Thơ.

Lẩu mắm – Nét đẹp tinh túy của ẩm thực Cần Thơ.

Cần Thơ được biết đến với những vườn cây trĩu quả quanh năm, với chợ nổi sông nước và những cây cầu lớn nhỏ ở khắp mọi nơi. Không chỉ có vậy, nơi đây còn là thiên đường ẩm thực với nhiều món ăn dân dã, ngọt bùi mà mỗi du khách khi tới đây đều không ngớt lời khen ngợi. Nhắc đến ẩm thực Cần Thơ, giữa thiên đường các món ăn đặc sản, lẩu mắm vẫn luôn là món ăn được nhắc tới nhiều nhất. Bởi đây là một nét văn hóa không thể thiếu, mang vẻ đẹp tinh túy của ẩm thực riêng của Cần Thơ, một lựa chọn quen thuộc với du khách khi tới nơi đây.

Món ăn mang đậm hương vị của sông nước miền Tây đã làm cho bao thực khách phải mê mẩn. Lẩu mắm thu hút khách không phải bởi vị ngon tuyệt vời của nó mà nó lôi cuốn bởi sự giản dị, hồn nhiên, chất phác như chính con người miền sông nước. 

Giới thiệu về món lẩu mắm.

Lẩu mắm Cần Thơ

Cái tên lẩu mắm nghe không có gì cuốn hút nhưng chỉ khi du khách thưởng thức món ăn này, du khách mới biết được vì sao nó lại có tên là lẩu mắm mà không phải là một cái tên khác lôi cuốn hơn. Nguyên liệu chính của món lẩu mắm không phải là cá, mực cũng không phải là tôm mà là mắm, một món ăn đặc trưng trong nét ẩm thực của người miền Tây. Nhắc đến mắm thì đây là một món ăn được làm từ cá ủ lâu ngày. Ở miền Tây có rất nhiều loại mắm như mắm cá sặc, mắm cá lóc, mắm cá rô đồng… nhưng ngon nhất là mắm cá linh.

Mắm cá linh

Mắm cá linh cũng là nguyên liệu chính mà nhiều đầu bếp dùng để chế biến lẩu mắm Cần Thơ. Có thể nói, vị ngon của lẩu mắm sẽ không được như mong muốn nếu thiếu đi vị của mắm Cá Linh. Ngoài mắm được dùng để làm nước lẩu, trong lẩu mắm Cần Thơ còn có hơn 10 loại nguyên liệu thịt, cá, tôm, mực, bạch tuộc… 

Trong khi các loại lẩu khác như lẩu chua, lẩu ngọt có danh mục rau, bổi phù hợp với đặc tính của mình, riêng lẩu mắm thì gần như không hạn chế các loại rau. Nhất là các loại rau vườn và rau hoang dã. Có thể kể hơn 20 loại rau ở miền Tây dùng để ăn với lẩu mắm từ rau chợ đến rau rừng như cải xanh, giá sống, cải ngọt, cà phổi, nấm rơm, đậu bắp, khổ qua, rau nhút, bắp cải, mồng tơi, rau muống tàu, cải cúc, tần ô, bạc hà, cải bẹ dúm, mướp hương, rau má…

Nấu lẩu mắm thơm ngon chuẩn vị Cần Thơ.

Công đoạn nấu lẩu mắm bắt đầu bằng việc chuẩn bị mắm để làm nước lẩu. Mắm sẽ được nấu trong nồi nước lớn, sau đó lọc sạch xương, chỉ còn lại nước cốt. Nước cốt này sẽ được đun liu riu trên lửa nhỏ cho đến khi nước sôi ùng ục thì lấy ra. Sau đó cho thêm sả bằm, sả cắt khúc và nêm nếm gia vị vừa ăn. Đây là công đoạn quyết định vị ngon của lẩu mắm, chính vì thế, công đoạn này được làm rất lâu.

Các nguyên liệu được thả vào nồi nước lẩu đang sôi

Tiếp theo là công đoạn chuẩn bị “mồi” và các loại rau để “thả” vào nồi lẩu. Lẩu mắm có thể chứa rất nhiều nguyên liệu cá miền Tây như cá lóc, cá basa, cá rô phi, lươn, ếch… Ở một số nhà hàng lớn, trong lẩu mắm còn có thêm tôm, mực, bạch tuộc để tăng thêm hương vị thơm ngon cho món ăn.

Bông Điên Điển

Bên cạnh các nguyên liệu hải sản chính thì phần rau nhúng ăn kèm cũng quyết định một phần hương vị cho món ăn. Rau ăn kèm với món ăn đặc sản Cần Thơ, lẩu mắm thường có rau muống, rau cần ô, rau đắng, rau cải bẹ xanh, rau nhút, mướp hương… và đặc biệt, trong phần rau đúng chuẩn ăn kèm lẩu mắm Cần Thơ luôn luôn có bông điên điển và bông súng. Khi mang ra, du khách chỉ cần đun sôi nước lẩu, cho các loại thịt, cá, tôm… vào nồi lẩu và thưởng thức ngay. Để rau không bị chín nhừ thì nên bỏ từng ít rau nhúng vào lẩu, ăn hết rồi bỏ tiếp. Nhóm rau rừng rất phong phú, là các loại rau tìm hái trong thiên nhiên hoang dã như bông lục bình, cù nèo, rau mác, đọt choại, đọt dớn, cải trời, dây bình bát, rau trai, rau đắng, rau dừa, bông điên điển, càng cua, bông súng, rau muống đồng, môn đúm, bông so đũa…

Thông thường cũng hơi khó kiếm một lúc đầy đủ các loại rau trên. Nhưng vào đầu mùa mưa hoặc khi nước lũ rút ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, đất đai khô ráo, tiết trời sang xuân ấm áp thì các loài rau rừng, vườn sinh sôi phát triển rất phong phú.

Theo nghiên cứu Y học cổ truyền và hiện đại đã cho thấy, chúng ta nên ăn nhiều rau bởi rau có nhiều chất xơ, vitamin, kháng sinh… Một số rau còn có thêm những dược tính quý, có thể phòng trị, ngăn ngừa nhiều căn bệnh. Riêng cá đồng ở miền Tây sống trong môi trường thiên nhiên hoang dã nên được xem là thực phẩm sạch, ngon và lành.

Đó cũng là lý do mà khi nhắc đến món ăn ấy, những người con Miền Tây viễn xứ có thể “thao thao bất tuyệt” cho đến khi nồi lẩu cạn nước và sạch rau. Nếu chưa từng được thưởng thức món ăn đậm chất dân dã, vừa dễ dãi vừa cầu kỳ ấy thì bạn hãy thử ngay đi nhé!

Trang Huyền