Phở – món ăn đưa ẩm thực Việt Nam nổi tiếng trên thế giới

Trong những năm gần đây, ẩm thực Việt Nam mới gây được tiếng vang và cơn sốt trên toàn thế giới. Và món ăn đã đưa ẩm thực Việt Nam thoát ra khỏi ranh giới trong nước đó chính là món Phở. Có thể phở là một món ăn rất quen thuộc với người Việt Nam, và thậm chí là cả với du khách quốc tế. Nhưng câu chuyện đằng sau mỗi bát phở không hẳn có nhiều người biết đến. Hãy cùng nhau tìm hiểu về Phở – món ăn đưa ẩm thực Việt Nam nổi tiếng trên thế giới qua bài viết dưới đây nhé.
Lịch sử của món ăn Phở
Không phải ai biết chính xác về nguồn gốc của phở: ai đã sáng chế ra món phở? tại sao lại có tên là “phở”? Cho đến nay, đã tốn rất nhiều giấy mực của nhiều thế hệ, các nhà nghiên cứu văn hóa của Việt Nam khi tìm hiểu về nguồn gốc của phở. Song đến nay mọi thứ đều nằm trong bí ẩn, chưa có ai có thể giải thích rõ về vấn đề này.
Giả thuyết về nguồn gốc của Phở bắt nguồn từ Trung Quốc
Tuy nhiên mỗi nhà nghiên cứu lại có những giả thuyết khác nhau để lập luận cho vấn đề này. Theo như các bậc Nho học tiền bối nói, phở có nguồn gốc từ Trung Quốc, món phở sinh ra từ món “Trư nhục phấn” – món ăn của tỉnh Quảng Đông. Với lối lập luận cho rằng, chữ “phở” được đọc trại đi từ chữ “phấn” của món “trư nhục phấn”.
Tuy nhiên, nguyên liệu cũng như cách nấu món này khác hoàn toàn với món Phở Việt. Loại mì dùng cho món “trư nhục phấn” là loại bột làm như kiểu bánh canh và nước dùng được nấu từ xương và thịt heo.

Giả thuyết về nguồn gốc của Phở bắt nguồn từ Phú Lang Sa (Pháp)

Có một giả thuyết không rõ bắt nguồn từ đâu, nhưng nó xuất hiện từ khi Phở bắt đầu trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới đó là: Phở có nguồn gốc từ một món ăn “pot-au-feu” của nước Phú Lang sa và chữ “phở” là tiếng “bồi” của từ “feu” (nghĩa Pháp: lửa). Tuy nhiên khi nghiên cứu, món “pot-au-feu” là món súp nấu bằng cách hầm thịt bò với nhiều loại rau củ: cà rốt, tỏi tây, củ cải…. Chẳng hề liên quan đến nguyên liệu và cách nấu Phở Việt, cả về hình thức lẫn nội dung.
Truyền ngôn dân gian về nguồn gốc của Phở
Theo những truyền ngôn được đồn đại trong dân gian đầu thế kỷ 20 về sự ra đời của món phở cho rằng: Phở có nguồn gốc từ món xáo trâu, ra đời một cách dân dã từ các bãi, bến sông Hồng từ những năm đầu của thế kỷ trước. Khi ra đời nó làm một món ăn phục vụ tầng lớp bình dân, làm lụng lam lũ.

Món phở bò ra đời trong hoàn cảnh khi người Pháp bắt đầu đặt nền bảo hệ lên toàn cõi Đông Dương, khi thịt bò và xương bò trở nên ế ẩm không ai mua do thời đó ưa chuộng thịt trâu hơn. Từ các gánh xáo trâu đã được người bán hàng chuyển thành xáo bò. Vì thịt bò có mùi gây khi nguội nên ninh trong lò lửa liu riu được phát kiến, chẳng mấy chốc mà món ăn này đã lan tràn rộng rãi khắp kinh thành Thăng Long.
Nước dùng phở – tinh hoa của nghệ thuật ẩm thực Việt Nam.
Phải nói, phở ngon hay không đều quyết định ở nước dùng phở. Không phải ngẫu nhiên nhiều người cho rằng, tinh hoa của nghệ thuật ẩm thực Việt Nam được đặt trong nước dùng phở. Nước dùng ngon phải đạt được đủ 3 tiêu chí:
- Thứ nhất, nước trong veo không một gợn đục, chắt lọc tinh túy của tự nhiên từ những tảng xương bò.
- Thứ hai, nước dùng phải có vị ngọt đặc trưng từ xương hầm, một loại nước bổ dưỡng, vị đậm đà dễ gây nghiền cho thực khách.
- Thứ ba, hương thơm của nước dùng được hòa quyện từ những loại gia vị đặc trưng của quế (phải là quế chi thanh), hoa hồi, thảo quả, hành nướng, gừng nướng…
Nước dùng phở là tinh hoa của món phở
Mỗi gia đình đều có một công thức riêng để nấu phở, và những bí quyết gia truyền đó đã nuôi sống các gia đình làm phở tồn tại hàng chục năm đến tận bây giờ. Thành phần và tỉ lệ gia giảm gia vị chính là cốt lõi của nghệ thuật nấu Phở.
Hiện nay, nghệ thuật nấu Phở ở Việt Nam được chia thành 2 trường phái khác biệt rõ nét: Phở Bắc và Phở Nam:
- Phở Bắc đặc biệt chú trọng đến vị ngọt của nước xương hầm, độ trong của nước dùng.
- Phở Nam có vị ngọt đường nên xương hầm không còn thật quan trọng.
Nhưng cả hai đều giữ được hương vị đặc thù của phở Việt nhờ sự đồng điệu của các gia vị.
Phở “xuất khẩu” ra thế giới
Phở được “xuất ngoại” từ sau năm 1975 khi đất nước hoàn toàn độc lập. Lúc này phở lên tàu cùng các dân tị nạn vượt biên di tản. Phở đã đến “kinh đô ánh sáng” Paris hoa lệ và quận Cam bang California của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ – nơi những người Việt tị nạn sinh sống và trú ngụ. Tuy nhiên phở lúc này chỉ để phục vụ cho cộng đồng người Việt mà thôi.
Năm 1990, một đầu bếp người Mỹ tên là Didi Emmons đã mở quán phở đầu tiên tại bang Massachusetts, Hoa Kỳ. Đó cũng là lúc hương vị của Phở lan tỏa sang cộng đồng người Mỹ và sau đó lan tỏa ra nhiều bang khác. Hiện nay phở đã có mặt tại rất nhiều nơi trên thế giới: phở Xibdelo xứ sở sương mù; đạo phở ở Úc; phở ở Sapa Praha Cộng hòa Czech; phở Warsaw Ba Lan; phở tại Dom 5 Moscow; phở tại Lào, phở tại Campuchia,…
Thậm chí tại xứ sở kim chi – Hàn Quốc, người Hàn mê phở đến nỗi nhiều người đã tự mở quán nấu phở và cạnh tranh với ngay cả người Việt.
Nhưng phở ở nước ngoài thường dùng bánh phở khô, hương vị đã được biến tấu theo khẩu vị của dân địa phương nên theo tiêu chuẩn truyền thống thì đó chỉ là những phiên bản “nhái” của phở. Đến ngay cả những người nước ngoài thường xuyên ăn phở tại đất nước của mình, nhưng được thưởng thức hương vị phở truyền thống tại Việt Nam cũng phải thốt lên rằng phở Việt Nam ngon khác xa với những loại phở họ từng ăn.
Thành tích mà Phở đạt được trên thế giới
Chính bởi hương vị thơm ngon đặc biệt mà Phở đạt được rất nhiều tiếng tăm trên thế giới. Đầu tiên phải kể đến, phở chính là biểu tượng cho ẩm thực Việt Nam trên thế giới. Bất cứ du khách nào khi nghe đến Việt Nam đều thốt ra từ “Pho”.

“Pho” được ghi vào từ điển Oxford của Anh như một danh từ riêng chỉ món nước của Việt Nam thanh vì gọi chung là “Noodle soup” như các loại mì nước bình thường khác. Tại Nhật, ngày 4 tháng 4 được coi là ngày Phở Việt Nam, vì số 4 đọc gần giống phiên âm của “phở” – “four” theo tiếng Anh.
Phở còn được xếp hạng 20 trong danh sách 500 món ăn ngon nhất thế giới, và được xếp thứ hạng cao theo CNN và BBC bình chọn trong danh sách các món ăn ngon trên thế giới.
Có thể nói, phở đã rất thành công khi đưa ẩm thực Việt Nam lên một tầm cao mới trên bản đồ ẩm thực thế giới. Từ một món ăn dành cho dân nghèo lam lũ, giờ đây phở đã được bày bán tại các cửa hàng sang trọng, thậm chí còn được phục vụ cho những giới thượng lưu.
Trên đây là những kiến thức về phở, nếu bạn là một fan cuồng của phở thì đừng nên bỏ qua bài viết để hiểu thêm về món ăn quen thuộc này. Chúc bạn luôn có bữa ăn ngon miệng cùng phở và luôn tự hào về nền ẩm thực của đất nước.